CV hoàn hảo – tấm vé cho công việc tương lai

Đây cũng là một trong những dạng câu hỏi tình huống mà các ứng viên hay gặp trong khi đi phỏng vấn.

Những thắc mắc ấy phần nào được giải đáp trong hội thảo “Chiếc vé thành công” diễn ra sáng 20-3 tại ĐH Ngân hàng TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

CV là chính bạn

Buổi hội thảo là một trong những hoạt động đầu tiên trong năm 2010 của chuỗi sự kiện “Kỹ năng số làm chủ cuộc sống” dành cho SV một số trường Đại học do Trí Tri Corp phát động.

Ông Mohalam Gonux – giám đốc Công ty Chìa Khóa Vàng – lưu ý các SV về CV (curriculum vitae): “CV không giống một sơ yếu lý lịch có mẫu. Viết một CV là bạn đi trả lời các câu hỏi what (viết cái gì), why (tại sao viết), how (viết như thế nào), where (gửi đến nơi nào) và who (viết cho ai, công ty nào). Một CV sẽ cho biết bạn là ai, học vấn, sở thích, sự trải nghiệm của bạn. Với những yêu cầu trên, bạn nên đặt thứ tự ưu tiên nào lên đầu để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. CV là con đường đưa bạn đến vòng phỏng vấn, là chính bạn. Khi viết CV bạn hãy nghĩ rằng mình đang viết thư cho người mình yêu”.

Một chuyên gia nhân sự đến từ Ngân hàng ANZ chia sẻ: “CV là công cụ để bán những gì mình có. Những gì mình mạnh nhất, nhà tuyển dụng muốn biết nhất hãy cho lên trước. Xác định mục tiêu của CV để cho nhà tuyển dụng biết những kỹ năng mà mình có”.

Thử đối mặt với nhà tuyển dụng

5 sinh viên có CV ấn tượng nhất của cuộc thi “Bản CV hoàn hảo” trước đó đã được thử sức với buổi phỏng vấn thử ngay tại hội thảo. Ông Jos Langens – tổng giám đốc VNRecruitment, ông Lý Trường Chiến – chủ tịch Trí Tri Corp, ông Mohalam Gonux – giám đốc Công ty Chìa Khóa Vàng trong vai trò của những nhà tuyển dụng. Mỗi bạn có 15 phút để trả lời tất cả những câu hỏi của nhà tuyển dụng đưa ra.

Ngay sau phần chào hỏi, ông Lý Trường Chiến “tấn công” ngay bạn Trịnh Minh Tùng – SV ĐH Ngân hàng TP.HCM – bằng câu hỏi: “Mục tiêu cuộc sống của em là gì? Mục tiêu nghề nghiệp trong ba năm tới?”. Minh Tùng đáp: “Mục tiêu cuộc đời của em là học hết sức, làm hết mình. Mục tiêu 3 năm tới của em là trở thành nhân viên tín dụng vào năm 2011”.

Cũng có những câu hỏi mà các SV không ngờ tới như: 5 người có ảnh hưởng lớn nhất đến em là ai? Giả sử 15 năm nữa bạn có hai đứa con, bạn đối diện với cuộc hôn nhân có thể phải ly hôn và bạn có thể sẽ có một vị trí cao trong công ty trong thời gian tới, bạn sẽ chọn bên nào? Nghỉ việc để có gia đình hay tiếp tục đi làm?… Thông điệp mà các diễn giả gửi đến SV chính là sự tự tin, chân thành dù ứng viên gặp bất cứ tình huống nào.

Tự tin khi được phỏng vấn

Chị Nguyễn Thụy Trúc Linh, chuyên viên nhân sự Ngân hàng ANZ, đưa ra tình huống: bạn là một nhân viên giao dịch. Bạn giải quyết như thế nào với một khách hàng khó tính khi khách hàng phải đợi lâu?

“Rất nhiều lỗi nhỏ như ánh mắt nhìn, nụ cười hay cách bạn ngồi cũng thể hiện được sự nhiệt tình của bạn. Hãy nhìn vào nhà tuyển dụng thay vì nhìn lên bàn hay nhìn qua chỗ khác” – chị Nguyễn Thụy Trúc Linh gợi ý.

Chị Nguyễn Thị Kim Châu – chuyên viên nhân sự Ngân hàng ANZ đóng vai người đi xin việc – đưa ra hai cách trả lời. Thứ nhất, giải thích cho khách hàng, cố gắng làm hài lòng khách hàng. Nếu khách hàng quá khó tính thì nhờ sếp. Thứ hai, lấy một ví dụ cụ thể như trong thời gian làm nhân viên giao dịch: “Thời gian gần tết, rất nhiều khách phải chờ và tỏ ra khó chịu. Khi đó đầu tiên tôi xin lỗi khách hàng và giải thích rằng hiện nay mùa tết nên đông khách và cố gắng làm lệnh chuyển tiền nhanh nhất để khách hàng hài lòng. Sau khó khách hàng không khó chịu nữa và còn cảm ơn trước khi ra về”.

Với hai cách trả lời này, hai chị cho rằng nhà tuyển dụng sẽ thích cách trả lời thứ hai vì có một trường hợp cụ thể chứng tỏ được năng lực của bạn. Đây cũng là một trong những dạng câu hỏi tình huống mà các ứng viên hay gặp trong khi đi phỏng vấn.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *